Kính thưa các bậc cử tri, kính thưa bà con nhân
dân xã nhà !
Ngày 24 tháng 12 năm 2018, Bộ
chính trị Đảng cộng sản Việt nam đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp
xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, Trung ương nhận định từ
sau khi hoàn toàn thống nhất năm 1975 đến nay, đơn vị hành chính các cấp ở nước
ta đã được điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt
được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc
chia, tách đơn vị hành chính các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập
và hạn chế. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô quá nhỏ, không
gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập
kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô
cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung
ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung
ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính
quyền địa phương. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức
bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương
tăng, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm
trang thiết bị làm việc tăng; đại đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã thu ngân
sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu Trung ương phải
hỗ trợ.
Những bất cập, hạn chế nêu trên có các nguyên nhân cơ bản là: Hệ thống
văn bản pháp luật về quản lý đơn vị hành chính chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhiều
văn bản không còn phù hợp nhưng chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế. Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp gắn với quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội chậm được điều chỉnh, bổ sung. Cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng
kinh tế - xã hội đã thúc đẩy đô thị hóa, tạo nên tâm lý muốn chia tách, thành lập
đơn vị hành chính mới.
Với mục tiêu sắp xếp đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với
thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn
vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu
quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng
cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị
và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện,
cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng
yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị;
từ năm 2019 đến nay, Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn
bản chỉ đạo công tác sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo lộ trình
từng giai đoạn, cụ thể như: Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở; Luật tổ chức Chính
quyền địa phương; Kết luận số 47-KL/TW của Bộ chính trị; Nghị quyết 35/2023 của
Ủy ban thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ vân vân…
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, tổ
chức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 75% các tiêu chuẩn về dân số
và diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày
25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành
chính và phân loại đơn vị hành chính.
Về tiêu chuẩn
của đơn vị hành chính cấp xã được quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đó là xã thuộc vùng Miền núi phải
có quy mô dân số từ 5000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 50km2
(tương ứng là 5000 hecta) trở lên.
Kính thưa các
bậc cử tri, thưa bà con nhân dân !
Nghị quyết 37
năm 2018 của Bộ chính trị đã nêu các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong
công tác sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đó là:
Thứ nhất: Phải
đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, theo từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm,
hiệu quả, chắc chắn; phù hợp với quy hoạch tổng thể; bảo đảm ổn định chính trị
- xã hội, không gây xáo trộn lớn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống
nhất của Đảng.
Thứ hai: Gắn
việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh
giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức. Bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của nhà nước và
xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân,… không ảnh
hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
Thứ ba: Cấp ủy
Đảng, chính quyền các cấp… phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn… Coi
trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự
thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Thứ tư: Việc
sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa căn cứ theo tiêu chuẩn…; đồng
thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống,
văn hóa, dân tộc, … phong tục, tập quán…
Thứ năm: Việc
sắp xếp đơn vị hành chính đi đôi với sắp xếp tổ chức công tác cán bộ, giải
quyết chế độ chính sách đối với cán bộ…
Thực tiễn thực
hiện các quan điểm này qua công tác sáp nhập xã giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy
rất phù hợp, rất thuận lợi, việc xáo trộn lớn chỉ xảy ra ở lĩnh vực công tác tổ
chức cán bộ; đến nay, gần 3 năm sau thời điểm sáp nhập thì bộ máy cán bộ đã
được sắp xếp, bố trị ổn định; số cán bộ, công chức không còn tiếp tục tham gia
công tác đã được hưởng chế độ theo quy định. Đối với nhân dân, về cơ bản đời
sống kinh tế - văn hóa - xã hội không có gì xáo trộn; tên làng, tên xóm và
phong tục tập quán ở khu dân cư nào đều được giữ gìn nguyên vẹn tại khu vực đó;
nhân dân yên tâm xây dựng cuộc sống và tham gia các hoạt động phong trào văn
hóa - xã hội; tiếp tục phong trào xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng
cao ở xã mới sau sáp nhập; duy chỉ có xáo trộn nhỏ về mặt giấy tờ hành chính của
công dân và hộ gia đình đang được cơ quan chức năng gấp rút hoàn thiện, trong
đó ưu tiên trước hết cho người đi học, đi làm và hộ gia đình chính sách.
Mặt khác, sau sáp
nhập các xã giai đoạn năm 2019 - 2021 dân số và số xóm của xã mới tăng lên,
việc tổ chức hoạt động phong trào văn hóa – thể thao cho nhân dân trong xã được
tổ chức quy mô hơn, tạo được không khí lễ hội hoành tráng hơn trước khi sáp
nhập. Về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ công chức cấp
xã cũng được cải thiện nhiều hơn, so với trước khi sáp nhập thì nhà nước phải
đầu tư cho 2 đến 3 cơ sở thì sau sáp nhập chỉ phải đầu tư cho 1 cơ sở; chế độ
chính sách cho cán bộ, công chức cũng vì thế mà tăng lên theo lộ trình của nhà
nước. Việc tinh giản được bộ máy cán bộ, công chức sau sáp nhập cũng giúp nhà
nước tiết kiệm được một lượng ngân sách to lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
phục vụ nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Kính thưa bà
con nhân dân, thưa các bậc cử tri !
Xã Nghĩa Hiếu
chúng ta có diện tích tự nhiên 17, 25 km2 (tương ứng 1725 ha) với gần
3200 nhân khẩu, tức là mới chỉ đạt gần 64% tiêu chuẩn về mặt dân số và chỉ đạt 34,5%
tiêu chuẩn về mặt diện tích tự nhiên theo quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, toàn xã chỉ có 4 xóm, trong đó
chỉ 1 xóm đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số, còn lại 3 xóm chưa đạt; thực hiện
nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước thì xã Nghĩa Hiếu nằm trong diện sáp
nhập giai đoạn 2023 – 2025 là điều hoàn toàn đúng đắn.
Để đảm bảo thực
hiện tốt chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn xã nhà được diễn ra
thuận lợi, đúng kế hoạch, lộ trình các cấp đã đề ra, kính mong bà con nhân dân
và các bậc cử tri đồng tình ủng hộ.
Xin cảm ơn bà
con nhân dân và các bậc cử tri đã chú ý theo dõi./.